Yêu cầu các Bộ, cơ quan chính phủ đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Cụ thể, các Bộ, ngành, cơ quan cần đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT; Xây dựng, hoàn thiện cơ
chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; Xây dựng hệ thống
hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; Ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết
thực, có hiệu quả cao; Phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức; Phát
triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng,
tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc
phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý
các mạng viễn thông, truyền hình, Internet; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Một nội dung rất quan trọng trong chương trình hành động là xây dựng hệ thống
Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan hành chính Nhà nước thông suốt từ Trung
ương đến địa phương. Đồng thời, hình thành chuỗi các khu công nghệ thông tin
tập trung, công viên phần mềm, các vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp
dịch vụ công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế...
Trong đó, Chính phủ sẽ tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội, bảo đảm CNTT là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên trên các kênh truyền thông. Đồng thời, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, Bộ, ngành và địa phương bắt buộc phải có nội dung đảm bảo ứng dụng, phát triển CNTT.
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin quốc gia, trọng tâm là các cơ sở dữ liệu quốc gia về: công dân, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, quản lý hồ sơ hành chính điện tử, lao động, người có công và các đối tượng chính sách xã hội, thông tin khoa học và công nghệ.
Chương trình hành động cũng xác định: Tăng cường khai thác hiệu quả hạ tầng thông tin quốc gia hiện có; hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và kết nối với thế giới; bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin quốc gia hiện đại, tiên tiến, đồng bộ.
Đặc biệt, sẽ xây dựng và đưa vào khai thác Hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành kinh tế, kỹ thuật, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, xây dựng, điện, thuế, hải quan, tư pháp…
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành, Bộ, ngành và cơ quan Nhà nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, hoạt động của mình như Kiên Giang, Tiền Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Nghệ An. Mới đây nhất, Văn phòng Trung ương Đảng cũng thông báo nâng cấp Hệ thống điều hành tác nghiệp, quản lý văn bản hành chính sử dụng trong các cơ quan Đảng trên toàn quốc. Do VNPT triển khai, Hệ thống này điều hành nội bộ bên trong các cơ quan Đảng, xuyên suốt từ trung ương đến tới địa phương nên tính bảo mật được đặt lên hàng đầu, do đó đã được tích hợp các công nghệ như chữ ký số, chứng thực số....
NHẬN XÉT CỦA BẠN