“Đề xuất tịch thu xe lúc này quá sớm”

Uống rượu bia lái xe có là hành vi nghiêm trọng?

Giải thích lý do đưa ra đề xuất “tịch thu xe”, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng ví người uống rượu bia lái xe như “cầm dao múa giữa chợ”, uy hiếp đến an toàn tính mạng người khác.
Vì vậy, ông kiến nghị áp dụng chế tài nặng chưa từng có ở Việt Nam đối với người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Hùng cho biết, đề xuất trên dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành. Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ rõ: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.
 “Đề xuất tịch thu xe lúc này quá sớm” - 1
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Đức
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, theo luật hiện hành, hành vi tham gia điều khiển phương tiện giao thông ngay sau khi uống rượu bia có nồng độ cao có thể được coi là hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng, nếu Chính phủ quy định.
Nói về sự nghiêm trọng của hành vi uống rượu bia lái xe, luật sư Hải cho rằng, cách ví von như “dùng dao múa giữa chợ” của ông Khuất Việt Hùng chưa chính xác. Ông Hải gọi việc uống rượu bia điều khiển xe là “dùng tiểu liên đạn đã lên nòng, lựu đạn mở chốt”.
“Ai cảm thấy không nghiêm trọng, cứ đứng cạnh người say rượu lái xe, lướt ra lướt vào xem sao. Tôi tin rằng, hành vi này phải được xác định là nghiêm trọng nếu ở nồng độ cao”, ông nói.
Qua phân tích về luật, luật sư Trần Vũ Hải kết luận, đề xuất “tịch thu xe” không trái Bộ luật Dân sự, không khác biệt Bộ luật Hình sự, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, có trái với Hiến pháp hay không thì cần xem xét thêm, cần có ý kiến của các chuyên gia.


Đánh vào túi tiền hiệu quả nhất

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA) cho rằng, đề xuất tịch thu xe lúc này chưa phù hợp, còn quá sớm.
Theo ông, khi đưa ra một quy định, phải xem xét tất cả các luật liên quan. Đề xuất trên liên quan đến một loạt luật từ Hiến pháp đến Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính... nên cần phải cân nhắc rất kỹ.
Ông Hùng góp ý, thay vì tịch thu xe, có thể đề xuất tăng hình phạt nặng hơn. “Cứ đánh đúng vào túi tiền, đánh về mặt kinh tế là hiệu quả nhất”.
Nếu đề xuất trên có hiệu lực, sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề kèm theo như kiểm tra nồng độ cồn, bán xe tịch thu, xe chính chủ, xe cho mượn... Do vậy, cơ quan chức năng nên tạm dừng để lắng nghe ý kiến người dân nhiều hơn và có giải pháp tốt hơn.
Ông Hùng ví dụ, ở nước Anh cũng từng tịch thu xe với người uống rượu, sau đó họ đã dừng quy định này lại.  Nhiều nước tiên tiến khác cũng chỉ phạt rất nặng chứ không thu xe.

Tiến sĩ luật Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, khi một văn bản đưa ra chưa đủ tính thuyết phục, bị người dân phản đối, bức xúc thì tính khả thi, thực tiễn vẫn không cao. Ông nói: “Tôi có thể dám cược tính mạng của mình là đề xuất này rất khó thực hiện”.

Ngày 27.2.2015, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức xử phạt một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong đó, mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô.

Ngay sau khi đề xuất trên được công bố, lập tức có nhiều ý kiến trên các phương tiện truyền thông bày tỏ quan điểm trái chiều nhau.

NHẬN XÉT CỦA BẠN