Trung Quốc thách thức ASEAN bằng các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông
Ít nhất 4 công trình lớn đã được xây dựng trên các bãi Ba Bình, Gaven, Gạc Ma và Chữ Thập, với các ụ súng, các phương tiện thông tin, các địa điểm tiếp tế và các bến neo đậu tàu thuyền đã được dựng lên cùng các đảo nhân tạo trong những tháng mùa đông.
Chuyên gia Greg Poling, từ CSIS, cho hay các hành động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã diễn ra nhanh hơn dự đoán và Bắc Kinh đã hành động nhanh hơn bất kỳ bên liên quan nào cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
“Việc cải tạo của Trung Quốc rõ ràng đã đi phạm tinh thần của tuyên bố DOC năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN và dựa trên cơ sở pháp lý không rõ ràng”, ông Poling nói.
DOC nhằm tạo thuận lợi cho việc đối thoại trong 10 quốc gia thành viên của ASEAN và Trung Quốc, như một phương thức để chấm dứt các cuộc đối đầu tiềm tàng ở Biển Đông trước khi chúng leo thanh thành một điều gì tồi tệ hơn thế nhiều.
Nhưng việc thực thi DOC vẫn không đầy đủ và Bắc Kinh muốn các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa được giải quyết trên cơ sở đơn phương và không ở cấp khu vực thông qua một ASEAN thống nhất. Điều này đã làm chia rẽ sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN.
Trong số các quốc gia có tuyên bố chủ quyền bị chồng lấn, Philippines và Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ nhất. Hà Nội đã tăng cường phòng thủ thông qua các thương vụ mua sắm vũ khí lớn với Nga, trong đó có 6 tàu ngầm Kilo và các máy bay chiến đấu Su-30.
Philippines đã thực hiện một hành động pháp lý chống lại Trung Quốc
tại Tòa án trọng tài quốc tế Liên hợp quốc về Luật Biển. Hải quân
Philippines cũng sẽ bổ sung thêm 2 tàu chiến vào hạm đội của nước này để
đối phó với các tham vọng hàng hải ngày càng hung hăng của chính phủ
Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn vượt trội so với các láng giềng về năng lực quân sự.
“Việt
Nam và Philippines có ít lựa chọn, ngoài sự chỉ trích công khai. Họ
không thể dựa vào sức mạnh quân sự và không muốn tham gia vào một cuộc
đua xây dựng ở Trường Sa, vốn chỉ làm mất ổn định khu vực và họ không
thể thắng”, ông Poling nói.
Trọng tâm của Trung Quốc luôn đặt
vào chiến lược “Chuỗi ngọc trai”- một hệ thống gồm các cảng và các đảo
kéo dài từ bờ biển nước này tới Vịnh Siam và Ấn Độ Dương. Điều này đã
được ghi nhận qua cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng
không Malaysia Airlines MH370.
Chiến lược của Trung Quốc là nhằm
bảo vệ các lợi ích kinh tế và quân sự của nước này bằng cách tìm kiếm
các tuyến thương mại thay thế cho eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát.
Việc
xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí đốt qua Myanmar và sân sau của
Trung Quốc và các tuyến đường sắt đang được lên kế hoạch khắp Đông Dương
là những ví dụ điển hình cho thấy Trung Quốc đang tích cực thiết lập
các tuyến thương mại an toàn mới.
Gây chia rẽ trong ASEAN
Ở Biển Đông, các mánh khóe của Trung Quốc bao gồm việc xâm nhập vào
các vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia ven biển có tranh
chấp chủ quyền hàng hải, rồi sau đó từ chối đưa các tranh chấp ra tòa án
quốc tế.
Hiện tại Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên hầu
hết các đá và bãi cạn mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Nhưng việc
thúc đẩy một mặt trận ASEAN thống nhất nhằm đối phó với các hành động
xâm lấn của Trung Quốc lại không mấy thành công.
Singapore, Thái
Lan, Myanmar và Lào đã không ủng hộ một cách tiếp cận thống nhất đối
với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, trong khi Campuchia đã công khai
ngả sang Bắc Kinh.
Malaysia và Brunei cũng không giúp được gì
khi thực hiện phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng, thiên về đàm phán lặng lẽ
với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao.
Nhân tố bí ẩn trong
“phương trình ASEAN” là Indonesia, khi tân Tổng thống Joko Widodo chưa
đưa ra quan điểm sau khi Bắc Kinh chấm dứt nhiều năm đồn đoán và xác
nhận rằng các tuyên bố hàng hải của nước này, mà Bắc Kinh nói được xác
định bằng đường lưỡi bò, thực chất chồng lấn lên vùng biển mà Indonesia
cũng tuyên bố chủ quyền.
Sự chia rẽ trong ASEAN có lợi cho Trung Quốc.
“Các
tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh đối với các bãi bạn và bãi san hô
giờ đây đang được thể hiện thông qua chương trình tăng tốc xây dựng”,
Gavin Greenwood, một chuyên gia từ công ty an ninh Allan &
Associates tại Hồng Kông cho hay.
“Đối với Bắc Kinh, đây dường
như là một biện pháp lô gích nhằm giành các tài nguyên giá trị và mở
rộng không phận. Đối với các láng giềng, Mỹ và cộng đồng quốc tế, đó là
một phiên bản nhẹ nhàng hơn của chính sách mà Nga áp dụng với Ukraine:
Thiết lập một ranh giới có thể mà ai đó vượt qua có thể lĩnh hậu quả”.
Có thể là năm nguy hiểm ở Biển Đông
Ông
Greenwood cho hay, vai trò của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp của
Philippines, cần nổi bật vì chính sách xoay trục sang châu Á của
Washington phần nào đó đã khiến Trung Quốc tăng tốc chương trình xây
dựng, mà hành động này lại chưa vấp phải phản ứng cứng rắn nào từ phía
Mỹ.
“Dù hải quân Mỹ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong
khu vực, Trung Quốc lại đang phát triển một lực lượng mạnh gồm các tàu
khu trục hiện đại, sẽ trở thành lực lượng răn đe đáng tin cậy”.
Ông
Poling cho hay các hoạt động cải tạo của Trung Quốc có thể hoàn thành
đáng kể vào cuối năm nay, làm gia tăng những lo ngại trong khu vực.
"Quy
mô và các thực thể bị cải tạo đang gây bất ngờ và có thể sẽ cho phép
Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các khả năng giám sát và tuần tra trên biển
lẫn trên không trên quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2015".
"Nhìn chung, tôi dự đoán rằng, sự gia tăng hiện diện của các đơn vị Trung Quốc trong khu vực, cùng với những căng thẳng tiềm tàng từ tòa án trọng tài, sẽ biến năm nay sẽ trở thành một năm căng thẳng nữa và có thể là nguy hiểm ở Biển Đông", ông Poling dự đoán.
NHẬN XÉT CỦA BẠN